Thói quen “xả rác bừa bãi” cần được loại bỏ

Ở nhiều địa phương, chỉ cần bước ra đường, không khó để bắt gặp rác tại những dòng kênh, chân cột điện, cả ở những nơi công cộng…Hành động xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định đã trở thành thói quen của một bộ phận người dân. Sự thiếu ý thức đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống, vì vậy, hơn lúc nào hết, thói quen xả rác bừa bãi cần được loại bỏ.

Thùng rác nhựa

Thùng rác nhựa HPDE

Có mặt tại quán ăn sáng ở các phố Chiền, Lê Xoay và một vài tuyến phố khác trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, chúng tôi nhận thấy ý thức của nhiều thực khách còn kém, sau khi rời khỏi quán ăn, dưới chân họ ngập đầy rác, thay vì để gọn vào sọt rác gần đó. Trong một lần tới phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, khu vực có khá đông sinh viên sinh sống và học tập, chúng tôi tiếp tục bắt gặp những hình ảnh không hay về tình trạng xả rác bừa bãi nơi công

cộng của các bạn trẻ. Chị Nguyễn Thị Thu, một chủ quán đồ ăn vặt gần cổng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II cho biết: “Trước đây, tôi cũng bố trí mỗi bàn một sọt rác nhỏ để khách tiện bỏ giấy ăn và đồ ăn thừa. Mặc dù đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng hầu hết khách quên nên tiện tay bỏ luôn xuống đất. Nhắc nhở nhiều thì sợ khách khó chịu bỏ sang quán khác nên chúng tôi đành thôi, chờ đến cuối buổi mới quét dọn, thu gom lại”. Chị Phạm Thị Tình, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên chia sẻ: “Bên cạnh một số hộ dân có ý thức trong việc đổ rác đúng nơi quy định thì còn nhiều người vẫn cứ tiện đâu vứt đó, vẫn xả rác bừa bãi, coi trách nhiệm thu gom rác là của công nhân môi trường. Mặc dù đã có quy định khi có tiếng kẻng, người dân đem rác ra đổ nhưng hầu hết họ đem rác ra đường bỏ tại cột điện hoặc ngay trên vỉa hè khi chúng tôi chưa kịp tới. Nhất là ngày ông Công ông Táo, người dân mang cá ra hồ thả, tiện tay bỏ túi nilon la liệt và chất thành đống trên bờ hồ, thậm chí có người quăng cả túi nilon xuống nước gây tắc nghẽn dòng chảy vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường”.

Thói quen xả rác bừa bãi không chỉ có ở thành phố, thị xã mà còn xuất hiện ở những vùng nông thôn. Dọc theo Quốc lộ 2B đường đi Tam Đảo, nhiều người nhận xét đó là con đường rộng rãi, thoáng đãng có hệ thống hoa, cây xanh rất đẹp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người đi đường thường xuyên phải chứng kiến những túi rác thải sinh hoạt nằm rải rác khắp đoạn đường từ nghĩa trang thành phố Vĩnh Yên tới địa phận xã Kim Long, huyện Tam Dương và địa phận huyện Tam Đảo. Bản thân chúng tôi đi qua đoạn đường này đã không ít lần bắt gặp người điều khiển xe máy quẳng những túi nilon chứa rác ra lề đường; có trường hợp khách du lịch trên đường lên các điểm du lịch ở Tam Đảo cũng tiện tay vứt vỏ bánh kẹo, vỏ chai nước lọc sau khi đã sử dụng xuống mương nước bên cánh đồng. Thậm chí đoạn đường qua chùa Cửu Yên, thôn Cửu Yên, xã Hợp Châu tình trạng rác chất thành đống bốc mùi hôi rất khó chịu.

Mặc dù đã được các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuy nhiên, tình trạng xả rác tùy tiện, bừa bãi diễn ra mọi lúc, mọi nơi và ở mọi đối tượng. Có thể nói, để xảy ra tình trạng trên là do mỗi cá nhân chưa nâng cao được ý thức, trách nhiệm của bản thân. Phần lớn người dân khi được hỏi về hành vi xả rác bừa bãi đều có những câu trả lời như: “Do tiện tay”, “do thói quen”; “do không bị nhắc nhở”…Thậm chí, nhiều nơi như khu nghĩa trang, ao hồ, kênh mương thủy lợi, khu công cộng, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã cắm biển “cấm đổ rác” nhưng chỉ một thời gian ngắn rác lại xuất hiện và trở thành những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến giao thông, thủy lợi và cuộc sống của người dân xung quanh.

Nhận thấy môi trường đang là vấn đề được dư luận quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 2903/KH-UBND triển khai công tác vệ sinh môi trường nông thôn và quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các cấp tập trung xây dựng kế hoạch để triển khai đầy đủ, nghiêm túc về vấn đề vệ sinh môi trường. Trong tháng 6/2016, sẽ thành lập Ban Chỉ đạo vệ sinh môi trường và quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở cấp xã, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, có những giải pháp trong kêu gọi đầu tư, quy hoạch quản lý chất thải sinh hoạt; từng bước xã hội hóa các hoạt động vệ sinh môi trường nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng xả rác thải không đúng nơi quy định, khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, để góp phần bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta, mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình và khu dân cư cần tự giác, ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định; nhà trường, Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức của học sinh, thanh thiếu niên nhận thức rõ về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường để bảo vệ cuộc sống xung quanh.